Aleurocanthus woglumi
Sâu bọ
Lá bị nhiễm bọ phấn đen có thể bị cong xoắn và biến dạng, cuối cùng là rụng sớm. Dịch ngọt nhờn nhớt đọng và tích lại trên thân và lá, thường dẫn đến sự hình thành các mảng nấm mốc đen như bồ hóng. Dịch ngọt có thể hấp dẫn kiến tìm đến. Có thể nhận ra loài bọ hại này khi chúng tập trung thành đám, trông như như đốm gai đen nhỏ ở mặt dưới lá. Thiệt hại do bọ cắn phá hay sự phát triển của nấm mốc đen khiến cây bị suy yếu và đậu quả kém.
Các loài ong ký sinh như Encarsia Perplexa, Polaszek và Amitus hesperidum silvestri đã được xác định là thiên địch của bọ phấn đen. Thực tế, các loài ong nêu trên chỉ ký sinh bọ phấn đen và các loài bọ phấn trắng cùng chi, không gây hại cho con người và cây trồng. Các loài côn trùng khác thuộc các chi bọ rùa, bọ cánh gân, bọ rùa nhỏ và bọ mắt vàng cũng là thiên địch của bọ phấn đen. Các loại dầu như dầu bông vải và xà phòng sáp dầu cá (FORS) có tính chất thân thiện với môi trường cũng có hiệu quả khống chế số lượng quần thể bọ phấn đen và nấm mốc đen trên lá. Phun chiết xuất dầu hạt sầu đâu (4%) để giảm thiểu số lượng quần thể sâu hại.
Trong mọi trường hợp, hãy xem xét đến khả năng vận dụng các biện pháp phòng ngừa và xử lý sinh học trong phạm vi có thể thực hiện được. Không nên sử dụng các loại thuốc trừ sâu phổ rộng để tránh gây hại đến các loài thiên địch của loài bọ phấn này. Có thể khống chế loài bọ hại này bằng cách sử dụng hóa chất để xông hơi sản phẩm giâm chiết hoặc phun lên cây. Phun các loại thuốc trừ sâu thích hợp khi phát hiện hơn 50% số trứng đã nở và bọ non chưa hình thành lớp vỏ cutin cứng để bảo vệ cơ thể. Nên phun thuốc trừ sâu ở mặt dưới lá là nơi bọ phát triển. Toàn bộ vòm cây cần được tưới phun như thế.
Bọ phấn đen (có tên khoa học là Aleurocanthus woglumi) là loài bọ hại cam chanh, có nguồn gốc từ châu Á và tấn công nhiều loài cây ký chủ khác nhau. Chúng là một loài trong họ bọ phấn trắng nhưng bọ trưởng thành lại có màu xanh đen sẫm nên được gọi là bọ phấn đen. Con trưởng thành có kích cỡ nhỏ, di chuyển rất chậm và có khả năng bay hạn chế. Tuy nhiên, chúng năng động hơn khi trời tối và thường sống trên bề mặt lá cây tầng dưới thấp vào ban ngày. Con cái đẻ khoảng 100 trứng màu vàng xếp thành những đường xoắn ốc ở mặt dưới lá. Nhộng của loài này có dạng dẹp, hình bầu dục và trông giống như vảy li ti. Bọ dùng phần miệng giống như mũi dùi đâm vào lá để hút nhựa cây, đồng thời chúng cũng tiết ra một lượng lớn dịch ngọt. Nhiệt độ khoảng 28-32°C và độ ẩm tương đối trong khoảng 70-80% là điều kiện tối ưu để bọ phấn đen phát triển. Loài bọ hại này không thể sinh tồn trong môi trường lạnh và có sương giá.