Pseudococcidae
Sâu bọ
Những khối trắng mịn như bông được tạo thành từ các bầy rệp xuất hiện ở mặt dưới lá, thân cây, hoa và quả. Chúng rất năng động. Mặc dù chỉ có tác hại không đáng kể nếu số lượng cá thể ít, rệp sáp vẫn có thể khiến lá non vàng và quăn, cây phát triển còi cọc và quả rụng sớm. Các lá già ít có khuynh hướng bị biến dạng hơn. Rệp sáp tiết dịch ngọt trong khi hút nhựa cây. Dịch ngọt khiến các mô trên cây trở nên nhớt dính và dễ bị các loại vi khuẩn và nấm mốc xâm nhập. Khi bị rệp sáp tấn công, quả rất dễ bị ảnh hưởng và có thể bị biến dạng hoặc bị dịch sáp của rệp bao phủ toàn bộ. Bị dịch ngọt của rệp thu hút, kiến có thể tìm đến và góp phần giúp rệp lây lan sang các cây khác.
Khi nhận thấy dấu hiệu nhiễm rệp nhẹ, nên nhanh chóng dùng miếng bông nhúng dầu hay cồn quét lên các đốm rệp sáp. Bạn cũng có thể rửa sạch cây bằng nước ấm hòa với một ít thuốc tẩy, dầu hỏa hay xà phòng diệt côn trùng. Các cây xung quanh cũng cần được phun dầu sầu đâu hay pyrethrins để ngăn ngừa rệp sáp lây lan. Các loài thiên địch của rệp sáp là bọ cánh gân xanh, ong bắp cày ký sinh, ruồi giả ong, cánh cam, bọ rùa và loài bướm ăn thịt có tên khoa học là Spalgius epius.
Hãy luôn xem xét đến giải pháp dung hợp giữa các biện pháp phòng ngừa và các biện pháp xử lý sinh học, trong phạm vi có thể áp dụng được. Các biện pháp xử lý rệp sáp khó thực hiện bởi vì rệp có các lớp sáp và sợi bảo vệ trước những điều kiện môi trường bất lợi. Tuy nhiên, sử dụng các dung dịch thuốc có gốc từ các hợp chất bifenthrin, chlorpyriphos, deltamethrin và pyrethroids để phun trên lá có thể mang lại hiệu quả phòng trừ nhất định.
Rệp sáp là loại côn trùng có thân hình bầu dục, không có cánh, thường xuất hiện khi thời tiết ấm hay ôn hòa. Cơ thể của chúng được bảo vệ bởi một lớp sáp bột mỏng, khiến chúng trông giống như một đốm bông. Chúng dùng phần miệng cứng và dài như mũi dùi, có tác dụng như vòi hút, xuyên thủng vào các mô bên trong cây để hút nhựa từ đó. Các triệu chứng nêu trên xuất phát từ phản ứng của cây đối với các độc chất mà rệp sáp bơm vào cây khi hút nhựa. Trứng của rệp sáp cũng được tìm thấy trên mặt đất bên dưới các cây nhiễm rệp. Sau khi nở, nhộng rệp và rệp trưởng thành có thể bò sang các cây bên cạnh. Rệp cũng có thể phát tán xa hơn nhờ gió, kiến, động vật, chim chóc, thậm chí là thông qua các hoạt động canh tác trên đồng như cắt tỉa hay thu hoạch. Rệp sáp có thể sống trên nhiều loại cây ký chủ trung gian như cây cà tím, khoai lang và các loài cỏ dại. Nhiệt độ ấm và thời tiết khô ráo là điều kiện thuận lợi cho vòng đời của rệp sáp, đồng thời gia tăng mức độ nghiêm trọng của các triệu chứng nêu trên.