Panonychus ulmi
Ve bét
Trong điều kiện nhiễm bệnh nhẹ, các vết lốm đốm màu đồng nhạt xuất hiện trên lá dọc theo đường gân chính. Thực tế, đó là kết quả của việc nhện đỏ chích hút chất dinh dưỡng từ lá cây. Khi số lượng quần thể của nhện đỏ gia tăng, các vết đốm ấy có thể lan khắp toàn bộ bề mặt lá. Lá có thể quăn lên và vòm lá chuyển sang màu đồng hay màu nâu gỉ sét. Thiệt hại đối với lá và chồi làm giảm thiểu hoạt động quang hợp và tạo chất hữu cơ của cây, dẫn đến tình trạng cây phát triển chồi kém, các kết cấu gỗ của cây không phát triển đầy đủ, quả khó chín hay rụng sớm. Tất cả những điều đó làm gia tăng khả năng bị tổn thương của các chồi cây trong sương giá mùa đông và suy giảm quá trình ra hoa của cây sau mùa đông.
Biện pháp khống chế sinh học thông qua các loài bọ ve ăn thịt có hiệu quả rất tốt khi được sử dụng ở các vườn cây ăn quả. Ngoài ra, còn có các loài đối kháng với nhện đỏ trong tự nhiên như bọ cướp nhỏ, bọ rùa, một số giống của loài bọ capsid cũng như loài bọ xít mù cánh trong ((Hyaliodes vitripennis) hoặc bọ cánh cứng Stethorus punctum. Cũng có thể sử dụng một số loại dầu được phê chuẩn để sử dụng trong phạm vi hẹp để đối phó loài nhện hại này.
Trong mọi trường hợp, nên xem xét khả năng dung hợp các biện pháp phòng ngừa và các biện pháp kiểm soát sinh học có thể áp dụng được. Nếu số lượng quần thể nhện vượt quá ngưỡng có thể chấp nhận được, có thể sử dụng các sản phẩm thuốc diệt ve mạt nếu phát hiện các đám trứng đỏ trên đỉnh chồi vào mùa đông. Nhìn chung, nên cố hạn chế tối đa việc áp dụng các biện pháp kiểm soát bằng hóa chất để tránh ảnh hưởng bất lợi đối với số lượng quần thể của các loài côn trùng có ích, từ đó kích phát số lượng quần thể của loài nhện hại này. Cũng có thể sử dụng dầu khoáng làm vườn để giảm thiểu số lượng quần thể của nhện.
Các triệu chứng nêu trên được gây ra bởi hoạt động cắn phá của loài nhện đỏ châu Âu có tên khoa học là Panonychus ulmi. Ngoài nho, loài nhện này có thể tấn công một lượng lớn các loài táo và cây có quả hạch khác. Nhện đực có màu đỏ vàng, điểm hai đốm đỏ ở lưng, dài khoảng 0,30 mm. Nhện cái có thân hình dài hơn một chút (0,35 mm) và có dạng hình bầu dục rõ ràng hơn so với nhện đực. Chúng có điểm đặc trưng là thân hình màu đỏ gạch với các lông màu trắng lún phún từ các đốm giống như hạt ngọc trai ở lưng. Chúng đẻ trứng màu đỏ, chủ yếu ở các vết nứt và kẽ hở ở vỏ cây, gốc cuống quả hay chồi ngủ vào cuối hè, ở mặt dưới lá vào mùa xuân. Chúng có thể sản sinh ra nhiều thế hệ trong một năm, tùy thuộc vào nhiệt độ và nguồn cung thức ăn, thường là 2-3 thế hệ trong thời tiết lạnh và 8 thế hệ khi thời tiết ấm hơn. Bón quá nhiều đạm sẽ kích thích cây phát triển, từ đó tạo thuận lợi cho loài nhện hại này. Ngược lại, gió và mưa nhều suy giảm khả năng sinh tồn của chúng.