CLCV
Vi-rút
Bệnh quăn lá do vi-rút ở ớt có các triệu chứng đặc trưng là mép lá quăn hướng lên, gân lá vàng và lá giảm kích cỡ. Ngoài ra, gân lá phình to dần, các lóng và cuống lá ngắn lại. Lá già khô sạm và giòn. Nếu nhiễm bệnh đầu mùa vụ, cây sẽ phát triển còi cọc, dẫn đến tình trạng tổn thất thu hoạch đáng kể. Quả trên những cây mẫn cảnh với bệnh thường kém phát triển và biến dạng. Vi-rút gây ra những triệu chứng tương tự như thiệt hại cắn phá của rầy và rệp.
Xử lý cây con bằng sữa bò tươi (nồng độ 15%) suốt 20 phút trước khi trồng sản xuất. Nói chung, số lượng quần thể bọ phấn có thể bị khống chế bởi các loài thiên địch của chúng như các loài bọ cánh gân, bọ cánh cứng mắt to và bọ săn mồi. Hòa 5 thìa xà phòng vào 20 lít nước và phun hỗn hợp ấy mỗi tuần hoặc hai tuần một lần để khống chế số lượng quần thể bọ phấn. Cũng có thể sử dụng dầu sầu đâu hay các loại dầu là sản phẩm dầu khí. Nên phun các hỗn hợp ấy lên toàn bộ cây, đặc biệt là mặt dưới lá.
Trong mọi trường hợp, hãy xem xét đến khả năng vận dụng các biện pháp phòng ngừa và xử lý sinh học trong phạm vi có thể thực hiện được. Hiện nay, chưa có ghi nhận nào về biện pháp xử lý hóa chất để phòng chống bệnh quăn lá ở ớt một cách hiệu quả. Nên xem xét áp dụng các biện pháp khống chế bệnh bằng các loại hóa chất như imidacloprid hay dinotefuran. Phun thuốc imidacloprid hay lambda-cyhalothrin cho cây con trong vườn ươm trước khi cấy để khống chế bọ phấn truyền bệnh. Việc lạm dụng các loại thuốc trừ sâu sẽ gây hại cho các loài côn trùng có lợi cũng như khiến nhiều loài bọ phấn phát triển khả năng đề kháng thuốc. Để ngăn ngừa điều đó, hãy sử dụng xoay vòng các loại thuốc trừ sâu thích hợp sau khi chọn lựa.
Các triệu chứng nêu trên xuất phát từ chủng vi-rút begomovirus lan truyền chủ yếu nhờ bọ phấn. Loài bọ này dài khoảng 1,5 mm, có cánh màu trắng sáp, thân màu vàng nhợt, thường được tìm thấy ở mặt dưới lá. Mức độ lan truyền của bệnh phụ thuộc vào gió là điều kiện giúp bọ phát tán. Bọ phấn là vấn đề đáng quan tâm nhất đối với cây trồng ở thời kỳ từ giữa đến cuối mùa vụ. Bệnh không phát sinh từ hạt giống, do vi-rút sống trong cỏ và các cây ký chủ thay thế khác (ví dụ như cà chua và thuốc lá). Mưa, sản phẩm giâm chiết bị nhiễm bệnh và sự tồn tại của cỏ dại là những yếu tố bổ sung khác có thể tạo điều kiện thuận lợi cho sự phát triển của bệnh. Cây non trong vườn ươm dễ nhiễm bệnh nhất trong giai đoạn nẩy chồi và sinh dưỡng.