Alternaria spp.
Nấm
Các triệu chứng bệnh thay đổi đôi chút tùy thuộc vào giống đậu tương được trồng. Đối với cây con mới mọc lên từ các hạt giống đã bị nhiễm nấm, mầm bệnh thường gây ra tình trạng chết úng. Đối với các cây trưởng thành bị nhiễm bệnh, ban đầu các đốm tròn màu nâu sẫm với viền mép rõ nét và các vòng đồng tâm lan dần xuất hiện trên các lá già. Về sau, phần giữa của các đốm ấy mỏng dần như giấy, cuối cùng vỡ ra vào tạo thành các "lỗ vỡ toét" trên mặt lá. Khi các tổn thương ấy lan rộng và hợp lại với nhau, lá có thể bị biến dạng và rụng sớm. Các đốm như thế cũng có thể xuất hiện trên quả trưởng thành, khiến quả nhăn nhúm, co nhỏ và chứa các hạt bị biến màu với các dấu hiệu thối rữa. Tuy nhiên, do bệnh thường xảy ra trong giai đoạn trưởng thành của cây, chúng chỉ gây ra tổn thất nhỏ đối với năng suất cây trồng và không cần đến các giải pháp quản lý hay khống chế tốn kém.
Không có sản phẩm sinh học nào đối phó với bệnh đốm vòng nâu ở đậu tương do nấm Alternaria một cách hiệu quả. Các loại thuốc diệt nấm có gốc kim loại đồng (thường là khoảng 2,5 g/ lít) có thể sử dụng để đối phó với bệnh này.
Hãy luôn xem xét đến khả năng kết hợp giữa các biện pháp phòng ngừa và các biện pháp xử lý sinh học, trong phạm vi có thể áp dụng được. Bệnh này không cần đến các biện pháp quản lý hay khống chế cụ thể nào nếu các triệu chứng bệnh xuất hiện ở cuối mùa vụ. Hãy xem xét đến việc sử dụng thuốc diệt nấm nếu cây nhiễm bệnh vào đầu mùa vụ trong các điều kiện thích hợp với sự phát triển của nấm mốc. Trong trường hợp ấy, các sản phẩm diệt nấm có gốc mancozeb, azoxystrobin hay pyraclostrobin có thể được sử dụng ngay sau khi phát hiện các triệu chứng đầu tiên của bệnh. Đừng trì hoãn cho đến khi bệnh bùng nổ và lan tràn rộng, bởi lẽ khi ấy biện pháp xử lý như thế sẽ không mang đến hiệu quả khống chế khả quan. Xử lý hạt giống bằng các loại thuốc diệt nấm nêu trên cũng có hiệu quả ngăn ngừa tình trạng phát sinh bệnh trong vụ mùa.
Ở đậu tương, bệnh đốm vòng nâu phát sinh từ nhiều loài nấm thuộc chi Alternaria spp. Các mầm bệnh ấy có thể xâm nhập qua các thành ngoài của vỏ, nhiễm vào hạt, từ đó hình thành phương thức lan truyền chính của bệnh này từ vụ mùa này sang vụ mùa khác. Các loài nấm ấy có thể sống qua mùa đông trên các loài cỏ dại mẫn cảm với bệnh này hoặc trên tàn tích của cây trồng không được phân hủy. Quá trình lan truyền thứ cấp từ cây này sang cây khác chủ yếu xuất phát từ mầm bệnh có trong đất dưới điều kiện thích hợp là thời tiết nóng ẩm, gió nhiều và mưa hắt. Trong tình trạng tối ưu là lá cây bị ẩm ướt, các bào tử nấm mọc mầm chỉ trong vòng vài giờ rồi xâm nhập vào mô cây thông qua các lỗ khí (khí khổng) hoặc các tổn thương cơ học trên cây do côn trùng tạo ra. Nhiệt độ tối ưu cho quá trình phát triển của bệnh là vào khoảng 20-27°C. Đậu tương mẫn cảm với bệnh này hơn cả trong giai đoạn cây non và giai đoạn lá cây đã trưởng thành trong mùa vụ. Tình trạng nhiễm bệnh có thể trở nên nghiêm trọng đối với các cây đậu tương khi gặp phải các áp lực bất lợi về mặt dinh dưỡng hay sinh lý sau mùa mưa.