Glomerella cingulata
Nấm
Những triệu chứng đầu tiên xuất hiện vào mùa xuân dưới dạng các đốm nhỏ màu xám hay nâu trên quả non. Đến mùa hè, các đốm này phát triển thành những vết thương tổn nhỏ, lõm và có màu nâu, đôi khi được bao quanh bởi một quầng đỏ dễ thấy. Trong điều kiện thuận lợi, một vài vết thương tổn như thế lan rộng hơn, để lộ các đốm nhỏ màu đen hay nâu sẫm ở giữa. Dần dần, chúng tạo thành vết thối rữa màu nâu sũng nước, lan từ bề mặt quả đến lõi quả, tạo thành dạng hình chữ V (dạng thối rữa hình trụ tròn quanh lõi là dấu hiệu điển hình của một loại bệnh khác ở táo là bệnh thối trắng do nấm Botryosphaeria dothidea gây ra). Quả nhiễm bệnh thối rữa từ bên trong, khô đi nhưng thường vẫn treo trên cành, tạo nên một hình thái được gọi là xác quả khô. Ở lá, quá trình nhiễm bệnh đặc trưng bởi các đốm nhỏ màu tím, về sau lan rộng ra thành các khu vực hoại tử có hình dáng không đều. Lá nhiễm bệnh nặng chuyển sang màu vàng, cuối cùng rụng đi. Sự lây lan của bệnh đến các chồi sẽ có hại đến quá trình ra hoa của cây ở mùa sau. Tất cả các giống táo đều mẫn cảm với bệnh thối đắng này.
Sản phẩm đối kháng là nấm men Metchnikowia pulcherrima T5-A2 đã được sử dụng kết hợp với biện pháp xử lý nhiệt độ để khống chế bệnh thối đắng trên quả của giống táo "Golden Delicious" trong các điều kiện có kiểm soát. Các biện pháp xử lý vẫn cần được kiểm nghiệm trên thực địa.
Nếu có thể hãy luôn xem xét sử dụng phương thức kết hợp các biện pháp phòng ngừa với các biện pháp xử lý sinh học. Sử dụng các chế phẩm có gốc dinathion, lưu huỳnh hay kim loại đồng để phun cách hai tuần một lần có thể đạt kết quả tốt nếu tuân thủ một chương trình vệ sinh vườn tược tốt. Nếu có các giai đoạn thời tiết nóng ẩm xảy ra, bắt buộc phải phun thuốc thường xuyên hơn tần suất 14 ngày một lần.
Nguyên nhân gây ra các triệu chứng ở lá và quả nêu trên xuất phát từ hai giai đoạn sinh sản khác nhau của cùng một mầm bệnh. Các đốm trên lá và quả là kết quả từ quá trình xâm thực các mô của giai đoạn sinh sản Glomorella cingulata. Giai đoạn sinh sản vô tính của loài nấm này được gọi là Colletotrichum gloeosporioides, là tác nhân gây ra các vết thương tổn ở quả vào giai đoạn cuối của mùa vụ. Các xác quả khô và những phần gỗ cây bị nhiễm bệnh chính là địa điểm sống qua mùa đông của loài nấm này. Vào mùa xuân, loài nấm này phát triển trở lại và tạo ra các bào tử thoát ra ngoài nhờ nước mưa bắn rồi phát tán đi theo gió. Nhiệt độ tăng cao (25°C) và tình trạng lá ẩm ướt kéo dài là những điều kiện thuận lợi cho vòng đời và quá trình lây lan của loài nấm này. Quá trình nhiễm nấm ở quả có thể xảy ra ở mọi giai đoạn phát triển của nấm nhưng thường xuyên xảy ra hơn vào nửa cuối của mùa vụ. Tỷ lệ nhiễm bệnh và khả năng tổn thất ở diện rộng có thể xảy ra trong những giai đoạn thời tiết nóng ẩm kéo dài trong giai đoạn quả đang phát triển.