Đu đủ

Bệnh thán thư ở Đu đủ và Xoài

Colletotrichum gloeosporioides

Nấm

Tóm lại

  • Các tổn thương lớn màu nâu sẫm xuất hiện trên quả.
  • Các đốm màu hồng nhạt ngả da cam phát triển bên trong các tổn thương ấy.
  • Các đốm lá màu xám ngả nâu với các viền mép sẫm màu hơn và được bao quanh bởi các quầng màu vàng.

Cũng có thể được tìm thấy ở

2 Cây trồng

Đu đủ

Triệu chứng

Mặc dù có ảnh hưởng chủ yếu đối với quả, bệnh thán thư có thể biểu hiện ở lá và cuống lá. Các triệu chứng trên lá biểu hiện dưới dạng các đốm màu xám ngả nâu với viền mép sẫm màu hơn và quầng sáng màu vàng bao quanh. Các đốm này sau đó lan rộng và hợp lại, tạo thành các mảng mô chết khá lớn. Những đốm nhỏ, sáng màu xuất hiện đầu tiên trên vỏ quả. Về sau, các đốm này phát triển đáng kể về kích thước (lên đến 5 cm) và trở thành những tổn thương hình tròn, màu nâu sẫm, thường ở dạng bủng nước hoặc rộp lên. Các đốm màu hồng nhạt ngả da cam phát triển trong các tổn thương theo dạng đồng tâm. Các đốm nhỏ hơn (tối đa là 2 cm), lõm và có màu nâu đỏ, được gọi là "đốm sô-cô-la", cũng có thể xuất hiện. Quả có xu hướng rụng sớm. Những triệu chứng này có thể phát triển sau khi thu hoạch, đặc biệt là khi quả được làm lạnh.

Các khuyến nghị

Kiểm soát hữu cơ

Các loại thuốc diệt nấm bằng chất sinh học gốc vi khuẩn Bacillus subtilis hoặc Bacillus myloliquefaciens có hiệu quả tốt nếu được sử dụng trong điều kiện thời tiết thuận lợi. Xử lý hạt hoặc quả với nước nóng (48°C suốt 20 phút) có thể tiêu diệt mọi tàn dư nấm và ngăn ngừa sự lây nhiễm bệnh sau này trong vườn trồng hoặc trong quá trình vận chuyển. Khi loại bỏ các cành cây bị nhiễm bệnh, hãy đảm bảo bôi lên phần bị cắt bỏ trên cây hỗn hợp Bordeaux (Đồng sunfat: vôi: nước theo tỷ lệ 1:2:6) ở dạng dịch nhờn. Phun thuốc ít nhất 3 lần liên tiếp với thời gian cách nhau 10-12 ngày.

Kiểm soát hóa học

Nếu có thể, hãy luôn cân nhắc giải pháp dung hợp giữa các biện pháp phòng ngừa và các biện pháp xử lý sinh học. Có thể phun các loại thuốc diệt nấm có chứa azoxystrobin, chlorothalonil hoặc đồng sulfat ít nhất 3 lần liên tiếp với khoảng thời gian cách nhau 10-12 ngày để giảm nguy cơ nhiễm bệnh ở cây. Cũng có thể xử lý hạt giống với các hợp chất này. Cuối cùng, có thể sử dụng các loại thuốc diệt nấm sau thu hoạch cùng với sáp dùng cho thực phẩm để giảm tỷ lệ nhiễm bệnh ở quả dự kiến sẽ được chuyển đến thị trường nước ngoài.

Nguyên nhân gây bệnh

Bệnh thán thư là một bệnh quan trọng trên phạm vi toàn cầu. Bệnh này xuất phát từ loài nấm có tên khoa học là Colletotrichum gloeosporioides. Nấm này tồn tại trong hạt hoặc tàn dư cây trồng trong đất. Trong điều kiện thuận lợi, nấm lan truyền sang những quả xanh chưa trưởng thành còn nguyên vẹn, không bị tổn thương, trong vườn thông qua gió và mưa hắt. Các cây ký chủ thay thế của mầm bệnh bao gồm xoài, chuối, bơ và một số loài cây khác. Nhiệt độ vừa phải (tối ưu là từ 18 đến 28°C), độ ẩm rất cao (97% trở lên) và độ pH thấp (5,8 đến 6,5) là những yếu tố thuận lợi cho sự phát triển của bệnh trong vườn. Thời tiết khô, bức xạ mặt trời cao hoặc nhiệt độ quá cao, kềm hãm sự phát triển của bệnh. Loài nấm này cần phát triển trên các quả để đạt đến một độ chín nhất định trong quá trình hoàn thành vòng đời của chúng.


Biện pháp Phòng ngừa

  • Chọn địa điểm trồng có lượng mưa thấp.
  • Đảm bảo thoát nước hiệu quả cho vườn cây.
  • Thu hoạch sớm để tránh các triệu chứng gây thiệt hại tồi tệ nhất.
  • Trồng các giống đề kháng bệnh và sử dụng các hạt giống khỏe mạnh.
  • Dành đủ không gian thoáng khí giữa các cây.
  • Trồng các loài cây không phải là ký chủ của bệnh này như cam quýt hoặc cà phê bên trong hoặc chung quanh vườn.
  • Cắt tỉa cây hàng năm để cải thiện tình trạng thoáng khí.
  • Loại bỏ các quả, cành và lá rụng ra khỏi đất vườn.
  • Dọn sạch cỏ dại và các cây ký chủ trung gian của bệnh.
  • Bảo quản quả ở môi trường thông thoáng.

Tải xuống Plantix