Cladosporium cucumerinum
Nấm
Các triệu chứng của bệnh xuất hiện trên lá dưới dạng nhiều đốm nhỏ màu xanh nhạt hoặc sủng nước. Những đốm này dần khô và chết đi, chuyển sang màu trắng ngả xám và có hình dáng góc cạnh. Thông thường, các tổn thương được bao quanh bởi một quầng sáng màu vàng. Phần trung tâm của chúng có thể rách vỡ, để lại những lỗ rách toét xơ xác trên lá. Hầu hết các triệu chứng nghiêm trọng phát triển trên quả bị nhiễm bệnh, trông giống những vết đốt của côn trùng. Thoạt đầu, quả xuất hiện các đốm nhỏ (khoảng 3 mm), màu xám, hơi lõm, tiết ra chất nhựa dính. Sau đó, các đốm này lan rộng và cuối cùng trở thành các hốc lõm, hoặc ghẻ, rất dễ nhận thấy. Quả bị nhiễm ghẻ thường bị xâm thực bởi các mầm bệnh cơ hội, như vi khuẩn gây thối mềm, dẫn đến tình trạng thối nhũn và có mùi hôi. Trên các quả có khả năng kháng bệnh cao, đặc biệt là ở một số quả bí và bí ngô, các khối giống như u bướu, có hình dạng không đều, có thể xuất hiện và phát triển dần.
Không thể áp dụng các biện pháp xử lý sinh học trực tiếp để đối phó bệnh ghẻ dưa. Sử dụng các loại thuốc diệt nấm có chứa phức hợp đồng-amoni được chứng nhận là sản phẩm hữu cơ để làm chậm quá trình lây lan của mầm bệnh.
Nếu có thể, hãy luôn cân nhắc giải pháp dung hợp giữa các biện pháp phòng ngừa và các biện pháp xử lý sinh học. Sử dụng các loại thuốc diệt nấm có chứa chlorothalonil hoặc phức hợp đồng-amoni. Hạt giống có thể được khử trùng bề mặt bằng 0,5% sodium hypochlorite trong 10 phút để loại bỏ mầm bệnh. Các loại thuốc diệt nấm có chứa dithiocarbamates, maneb, mancozeb, metiram, chlorothalonil và anilazine cũng có hiệu quả chống lại loài nấm C. cucumerinum này.
Các triệu chứng nêu trên phát sinh từ loài nấm có tên khoa học là Cladosporium cucumerinum. Chúng tồn tại qua mùa đông trong các tàn dư cây trồng, trong các vết nứt trên đất hoặc trên hạt bị nhiễm bệnh. Tình trạng nhiễm bệnh đầu mùa xuân có thể đến từ một trong hai nguồn này. Khi cây nhiễm nấm, nấm bắt đầu phát triển các cơ cấu sinh sản bào tử rồi phóng thích bào tử ra bên ngoài. Bào tử phát tán nhờ côn trùng, hoặc bám trên quần áo hay dụng cụ của người làm vườn, hoặc phán tán theo gió trong không khí ẩm. Độ ẩm không khí cao và nhiệt độ vừa phải làm tăng nguy cơ nhiễm nấm. Nhiệt độ khoảng 17°C và xen kẽ giữa 12-25°C, cùng với thời tiết ẩm ướt, sương mù thường xuyên, sương hoặc mưa phùn là điều kiện thuận lợi nhất cho sự phát triển của nấm. Các triệu chứng nhiễm nấm có thể xuất hiện từ 3 đến 5 ngày sau khi nấm đã xâm nhập vào các mô thực vật.