Monilinia fructigena
Nấm
Các triệu chứng đa dạng tùy theo giống cây trồng nhưng thường được tách ra thành héo úa hoa, thối mục cành và thối nâu quả. Hoa bị nhiễm bệnh sẽ héo úa, chuyển sang màu nâu và thường vẫn bám vào cành. Các mảng thối mục phát triển ở mô gỗ. Trong điều kiện ẩm ướt, bào tử màu nâu xám tro phát triển thành chùm trên bề mặt của hoa và cành nhiễm bệnh. Một chất nhựa dính thường rỉ ra từ các khu vực thối mục, khiến hoa bị héo úa vẫn dính chặt vào cành. Khả năng quả dễ bị thối nâu tăng trong các giai đoạn quả sắp chín, thường là khoảng 2 - 3 tuần trước khi thu hoạch. Thoạt đầu, có thể nhìn thấy các đốm tròn màu nâu rám nắng trên vỏ quả. Trong điều kiện ẩm ướt, các khối bào tử màu nâu xám tro phát triển bên trong các đốm này. Quả bị bệnh không rơi xuống đất sẽ mất nước dần và héo quắt ngay trên cành.
Phương pháp bảo quản quả được gọi là làm lạnh bằng nước (hydro-cooling), hay loại bỏ nhiệt từ rau quả mới thu hoạch bằng cách cho chúng tắm trong nước đá, có thể ngăn ngừa sự phát triển của nấm trong giai đoạn lưu trữ hay vận chuyển. Các loại thuốc diệt nấm sinh học có gốc lợi khuẩn Bacillus subtilis có hiệu quả như là tác nhân đối kháng với nấm Monilinia fructigena.
Nếu có thể hãy luôn xem xét sử dụng phương thức kết hợp các biện pháp phòng ngừa với các biện pháp xử lý sinh học. Việc phun kịp thời và có lặp lại các loại thuốc diệt nấm có gốc dicarboximides, benzimidazoles, triforine, chlorothalonil, myclobutanil, fenbuconazole, propiconazole, fenhexamid và anilinopyrimidines có hiệu quả xử lý loại bệnh hại này. Các loại thuốc diệt nấm mới như pyraclostrobin và boscalid cũng có hiệu quả. Việc phun thuốc hợp lý tùy thuộc vào diễn tiến đồng thời của các bệnh khác như bệnh ghẻ, bệnh đốm trắng, bệnh gỉ sắt, bệnh ghẻ nâu hay bệnh thối mốc xám. Kiểm soát côn trùng cũng là một biện pháp quan trọng để tránh gây các tổn thương cho quả.
Các triệu chứng được gây ra bởi loài nấm có tên là Monilinia fructigena. Loài nấm này phát triển mạnh trong thời tiết nóng ẩm. Ở một số trường hợp, các loài nấm khác cũng có thể tham gia vào quá trình phát triển của bệnh. Trong mọi trường hợp, chúng đều sống qua mùa đông trong các xác quả khô hay trong các chồi nhiễm bệnh. Quá trình nhiễm nấm ban đầu thường thông qua các bào tử rơi xuống bao phấn hay nhụy của hoa. Sau đó, nấm xâm lấn các mô bên trong hoa (ống hoa, bầu nhụy và cuống hoa) và lan đến cành có hoa. Hoa và cành nhiễm nấm héo úa và thối mục dần. Bào tử nấm có thể cư trú trên xác quả khô cho đến khi chúng có thể chuyển sang cành cây khác để tiếp tục lây nhiễm. Các quả bị nhiễm nấm, đặc biệt là các xác quả khô, chính là nguồn lây nhiễm mạnh mẽ nhất.